Tuỳ bút : Những cái duyên văn nghệ cuối đời.

Hồng Tước

@ Diễn Đàn Trưng Vương 58-65

" Hãy tìm đến nhau trong nụ cười, tiếng hát và những buổi gặp mặt nhau,vì thời gian và không gian đều có hạn".

Cô Lệ Khanh

Tác giả

Kể từ khi được "dzìa hiu" và không còn phải căng thẳng với công việc kiếm sống hàng ngày, tôi có nhiều thì giờ để thực hiện những điều mình ưa thích như chụp ảnh, ca hát, vẽ vời..., không những thế tôi còn được bạn bè khuyến khích nhiều hơn trong các thú vui văn nghệ vì họ biết tôi có khiếu về những bộ môn này.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên, vào một cuối tuần nhân dịp ngày Lễ của Mẹ cách đây trên hai năm, tôi được hân hạnh đến phòng sinh hoạt của Viện Việt Học tại miền nam California, để giới thiệu và trình bày hai bản nhạc mới của anh Nguyễn Ngọc Phúc, một người bạn CVA. Một bài hát với âm điệu êm ái nói về Mẹ và một bài hát nữa với một tiết điệu rất nồng nàn nói về nỗi nhớ Saigòn. Anh Phúc chỉ là một nhạc sĩ tài tử, sáng tác một số bài nhạc, nhưng khi được nghe qua những nhạc phẩm của Anh, tôi có thể " cảm nhận " được rất nhanh. Nhạc của anh Phúc mang ảnh hưởng dòng nhạc của thời trước năm 1975, âm giai và lời ca được chau chuốt kỹ lưỡng, tình cảm nồng nàn tha thiết, vì thế khi anh đã khuyến khích tôi tập hát để hát dùm bài cho anh, tôi đã nhận lời ngay.

Tôi chẳng phải là ca sĩ, nhưng hát cũng tàm tạm nhờ vào cái "gin" văn nghệ của gia đình, cái thú vui của tôi vẫn là nghe nhạc và ê a những bài hát mình ưa thích vào buổi tối ở trong nhà-- có nghĩa là chỉ thích hát cho chính mình nghe thôi (không đến nỗi phải hát trong nhà tắm) !..... . Lời ca vang bên góc computer nhỏ?.... Yêu đời em hát triền miên..."( NS Nguyễn Hiền đã nói dùm cho tôi như vậy)

Tôi đã có cái duyên gặp anh Phúc, ưa thích những bài nhạc của anh và rồi có cái duyên ...bị anh dụ dỗ ra đứng hát trước đám đông! Thế là ... một mầm non văn nghệ chưa- lên- ma`- đã -sắp -xuống ra đời!

Các bạn thân của anh Phúc đều là dân Trưng Vương, chúng tôi quen biết nhau hết. Mấy cô bạn tôi, kể cả Khanh ,vợ anh Phúc, than với tôi rằng " tụi em không chịu nổi cái mê say âm nhạc của ảnh, suốt ngày chơi nhạc, nghe nhạc, ngâm nga soạn mấy cái bài nhạc tình ướt át, cứ thương với nhớ, cứ mê say với điên cuồng... Đúng là mấy ông thích tưởng tượng gì đâu!". Tôi cũng phát phì cười, nhưng tôi thông cảm hơn với người nhạc sỹ, tại vì nếu tôi có tài để làm nhạc, viết nhạc, hay viết văn , tôi nghĩ chắc tôi còn phải tưởng tượng ra cả chục mối tình tan vỡ!

Từ những bài hát của Nguyễn Ngọc Phúc, chúng tôi và một vài chị em bạn TV đã ca hát với nhau những khi có dịp sinh hoạt chung và rồi lại cùng với các anh Bưởi CVA để tập dượt tạm thời thành lập một ban hợp ca mang cái tên BưởiCVA/TV ( hay còn gọi là Bu ơi-chết- vì- ăn -Trứng- Vịt).

Tôi còn nhớ buổi ra quân lần đầu tiên, đám phụ nữ chúng tôi mặc áo dài lụa màu đỏ, các anh mặc com-lê rất lịch sự. Nhưng đến lần xuất hiện trên sân khấu Saigon Performing Art lần thứ hai , các anh đã thay đổi y phục: áo sơ mi trắng, áo gilet đen, đầu đội mũ phớt, trông cứ như các chàng trai thời tiền chiến trong truyện Tự Lực Văn Đoàn, Nhóm đàn ông và đàn bà bước ra trên sân khấu từ hai bên cánh gà, bước chân nhún nhảy vui tươi, lắc lư theo điệu nhạc, cứ như sắp trở thành Gene Kelly đến nơi! Với một tác phong trình diễn tự nhiên và trẻ trung , chúng tôi gây được sự ngạc nhiên và hứng thú nơi khán giả.

Ban hợp ca này cho đến nay mới thuộc có.... một bài duy nhất của anh Nguyễn Ngọc Phúc, nhưng mỗi khi trình diễn xong , nó lại làm cho tôi nhớ đến hình ảnh rất tươi trẻ của cái thuở xa xưa, thời học sinh/sinh viên, rất vui nhộn và trong sáng.

Tuy chưa bao giờ hài lòng với những bài tôi đã hát một mình hay hát chung với bạn bè, nhưng tôi thấy vui trong lòng vì hát hỏng lai rai làm cho cuộc đời hình như tươi vui hơn, yêu đời hơn, hay là một cách thổ lộ những cảm xúc, những tâm tình , những ước ao thầm kín mà ít khi mình dám bày tỏ từ trước tới giờ.. Một điều quan trọng không kém, khi tập hát thì phải học thuộc bài hát-- một điều rất khó cho người già - cái bộ nhớ trong đầu của tôi trở nên làm biếng không chịu nhớ điều gì lâu - vì thế có lẽ học hát sẽ làm mình đỡ bị bệnh " mơ-giai"( Alzheimer) hơn !!!

Một vài bạn Trưng Vương của tôi thì chọc ghẹo là số tôi năm nay có "sao hát hò" chiếu tướng.

Cũng như khi tôi đi học vẽ cùng các anh chị cao niên ( hay đúng hơn mình cũng là dân cao niên rồi đấy) tôi sung sướng khi cầm cọ, pha màu và rồi vẽ, vẽ...vẽ cái gì cũng được. Trong nhà tôi bây giờ còn giữ được nhiều "tác phẩm nghệ thuật" đó chính tôi sáng tác , tranh lớn tranh nhỏ gì cũng có hết, để rồi lâu lâu mang ra ngắm nghía thấy cũng khoái chí.

Những ngày cuối năm tại Nam Cali là những ngày của hội hè, họp mặt với với bạn bè, với trường bạn, với các hội đoàn.. chị em TV chúng tôi cũng không thể nào từ chối những lời mời của các trường bạn, hội đoàn để mà ca hát với nhau.

Có lẽ cái duyên được gặp gỡ nhiều bạn bè mới, là điều mà tôi thích thú nhất. Với cái tuổi nầy, " người già" này thấy cần phải co' bạn bè, tôi không còn thấy ngại ngùng khi nói chuyện với mọi người, già trẻ lớn bé'. Ngày xưa đi hoc, ai mà dám đứng nói chuyện với "con trai" !!! Bây giờ tôi nhìn thấy ai cũng có thể là bạn, nói chuyện một cách hồn nhiên, vui vẻ, không còn e ngại nữa. Có lẽ nhờ sống ở xứ Mỹ, phải ra đời làm việc và sinh hoạt nhiều hơn , phụ nữ chúng ta đã xông xáo hơn, nhanh nhẹn hơn, giỏi giang và tự tin hơn.

******

Bằng một sự hết sức tình cờ, tôi "gặp" một người nhạc sỹ khác.

Tôi đã cất giữ một CD của một ông anh bên Virginia cả hai năm nay. Anh cho tôi một CD anh hát, nhưng tôi đem về thêm một CD khác mà không biết. Đó là những bài nhạc của nhạc sỹ Thanh Trang do Hiếu Phương trình bày. Cô này có giọng hát rất hay bên Virginia. Tôi sang VA và lần nào cũng được nghe 4 chị em của Hiếu Phương hát. Tôi biết tiếng của nhạc sỹ Thanh Trang qua bài Duyên Thề nổi tiếng và một số bài khác nhưng không nhớ tên bài. Trong CĐ của Hiếu Phương có một bài mang tên Đò Mây, tôi nghe xong mê quá , nhất định phải đi tìm bằng được musicsheet của bài này quá. Nhờ ông anh bên Virginia, tôi đã được anh giới thiệu đến nhạc sỹ Thanh Trang và ông sốt sắng gửi cho tôi bài nhạc. Ông còn giải thích ý nghĩa của bài này cho tôi - lại rất đúng với suy nghĩ của tôi - một cuộc đời rất êm đềm, bình lặng, gặp gỡ biết bao người, có duyên với nhau thì sẽ gặp lại, còn không thì mình cũng chỉ như 1 còn đò trôi lững lờ trên sông về một miền xa xôi nào đó.

Từ Đò Mây rồi sang đến những bài nhạc nói về Phượng tím , những kỷ niệm của thời son trẻ như bỗng ùa về, tự nhiên tôi như bị cuốn hút bởi dòng nhạc rất nhẹ nhàng, êm đềm và đầy chất lãng mạn. Có lẽ đúng vào thời điểm tôi muốn tìm về , khao khát những điều bình di, êm ả vuốt ve tâm hồn, nên nó lôi cuốn mình rất nhanh chăng?

Nhạc sỹ Thanh Trang cung cấp cho tôi những bài hát tôi muốn và ngược lại ông cũng muốn được nghe tôi hát xem ra sao. Được biết một nhạc sỹ đã có danh ,nhất là những nhạc phẩm của ông đều có những người khác trình bày trước rồi, tự nhiên tôi khớp. Tôi chỉ mới hát mới đây theo lời dụ dỗ của anh Phúc, nhưng tôi vẫn tự bảo hát cho mình là chính và mỗi người diễn tả bài nhạc một cách khác nhau, chẳng nên so sánh mình với ai.!

Mỗi lần nghe một bản nhạc tôi ưa thích, tôi như đắm mình trong dòng nhạc, âm thanh như vây bủa lấy tôi, vuốt ve, xoa dịu tôi. Nghe một bản nhạc hay làm mình vui suốt ngày. Phải thầm cám ơn và trân trọng những người nhạc sỹ, chẳng biết cuộc đời họ ra sao, nhưng nhạc của họ thì đã phong phú hóa đời sống tinh thần của mình. Họ cho mình có cảm giác như mình vẫn còn ở trong tuổi thanh xuân, vẫn còn mơ mộng, muốn yêu, muốn nhớ, vẫn mơ màng đến những gi` đâu...

Trong thời gian qua, tôi hát những nhạc phẩm mới của Thanh Trang và cũng trong giai đoạn này, tôi đã có cơ hội tập tễnh viết ra một số bài nhạc để tự hát, với sự khuyến khích của một vài nhạc sỹ. Có bài nhạc nẩy ra trong đầu rất nhanh, có những bài ngâm cả năm vẫn chưa vừa ý. Không gì hạnh phúc bằng tối tối ngồi trong cái góc riêng của mình nơi phòng khách, ôm cây đàn guitar gẩy quẹt vài cái rồi bỗng nhiên bật ra một vài dòng nhạc!

Theo lời khuyên của những người đã khuyến khích tôi ca hát, tôi nên chọn trình bày cả những ca khúc tiền chiến nổi tiếng từ xưa.Một bài nhạc xưa quen và hay dễ làm người nghe hồi tưởng đến những kỷ niệm cũ và như vậy để gây cảm xúc cho họ. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích những bài nhạc mới, nếu tôi nghe mà đồng cảm được một cái gì để mà thích thì tôi tập bài đó. Hiện nay tôi còn có cơ duyên được hát thêm một số nhạc phẩm mới của một vài nhạc sỹ trẻ như nhạc của Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hà v.v...và như vậy thì những cái duyên văn nghệ của tôi vẫn tiếp tục dài dài...

*****

Theo yêu cầu của cô bạn Mai Phương, chúng tôi đến nhà BS Nhuận để tập hát mỗi sáng Thứ Ba. Con đường từ nhà tôi đến nhà Nhuận không xa, nhưng con đường số 17 dẫn đến Tustin thì đẹp vì có hàng cây to trồng ngày giữa đường. Hình như là một loại điệp gì đó vì lá nhỏ cũng giống điệp , rất mềm mại, rất xanh nõn, có những bóng mat' rợi khi lái xe đến nhà Nhuận. Dạo này tôi hay thức dậy muộn, vì tôi thức khua ngồi trước computer học hát, làm hình. Nhưng cứ sáng Thứ Ba là tôi nhớ thức dậy sớm vì tự nhiên thấy có cái háo hức. Háo hức được tập hát với bạn bè. Chúng tôi muốn lập nên một ban tứ ca hay nhóm ca 5,6 người gì đó, để hát những bài hát xưa cũ. Ngày nay người ta không còn thích hợp ca nữa. Họ chỉ thích đơn ca, xuất hiện một mình và chỉ hát một số bài nhạc tình nổi tiếng, hát với "one man band " hoặc với nhạc nền làm sẵn. Đó là cái mốt bây giờ của những người thích ca hát.

Tôi thích hợp ca vì trước hết, nó tạo cho mình một kỷ luật phải hát hòa đồng với nhau, để ý lời ca của nhau vì có nhiều bè khác nhau, giống như một team work, không ai chơi trội hơn ai. Nhạc Việt Nam có nhiều bài hợp ca rất hay, nhưng hầu như ít ai dùng đến ngoài một vài ban hợp xướng như Ngàn khơi hay các ca đoàn trong nhà thờ công giáo. Những bài hợp ca vẫn nhẹ nhàng thanh thoát mà không ủy mị. Nó đưa tâm hồn người nghe lên một mức độ khác, và nếu hát hay thì nghe thật là tuyệt vời. Chúng tôi chuẩn bị hợp ca cho những ngày họp mặt bạn bè từ khắp nơi trở về nam Cali để tham dự Đại Hội TV.

BS Nhuận khen tôi là người có giọng hát trời cho, thế mà không chịu hát bỏ phí bao nhiêu năm.Thì tôi đã nói là về hưu mới làm được những việc cho chính mình.

Nhuận là một trong những người điều động ban Hợp xướng Ngàn Khơi. Ý hướng của Ngàn Khơi là làm sao đưa trình độ âm nhạc của người Việt lên một mức độ cao hơn, biết thưởng thức những bài hợp ca, hop xướng với những tác phẩm hay của các nhạc sỹ Việt Nam. Nếu thế hệ tụi tôi, Nhuận nói, không cố gắng duy trì âm nhạc căn bản của VN từ thời trước, thì sẽ không còn ai làm chuyện này nữa. Nhuận coi đây như một sự mệnh văn hóa mà ban Ngàn Khơi cố gắng duy trì, kêu gọi thêm các ca viên trẻ, hướng dẫn họ hát nhạc VN, hiểu được thế nào là tân nhạc Việt thuần túy, chứ không phải là những bài anh anh em em trống rỗng hoặc những bài nhạc dịch từ nhạc Tàu và Đại Hàn.

Nhuận muốn tôi trở về với Ngàn Khơi để tập hát những bài hợp xướng, muốn tôi cùng hát những bài mà Nhuận đang rất ưa thích. Trong phòng khách to cao của một căn nhà rộng lớn, chúng tôi ngồi hát cho nhau những O Sole Mio, Santa Lucia, Come back to Sorrento..những tình ca Phạm Duy và bài của những tác giả trước 1975. Chắc Nhuận cũng không ngờ tôi biết nhiều bài nhạc đến thế, chỉ không thuộc lời nhưng tiết điệu thì bài nào tôi cũng biết. Thế là tôi lại khám phá ra người đàn bà bên ngoài nghiêm nghị ,ít nói từ xưa đến nay mà tôi đã biết, lại là người rất thích nói về nhạc VN và thích hát - như tôi bây giờ.

Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau một buổi sáng để tập hát. Chăm chỉ tập hát và hy vọng một ngày nào đó sẽ hát hay hơn. Có một điều không thể tránh được, vì là đàn bà thích ăn mặc đẹp, chúng tôi tự tạo cho nhóm một sắc thái riêng, chỉ mặc toàn lụa nội hoá với màu sắc nền nã mà rất rực rỡ. Nhìn vào nhóm chúng tôi là biết ngay dân ... Trưng Vương! Phụ nữ mà, ai mà không muốn làm cho mình đẹp trước khi bước ra sân khấu?

Từ trong căn nhà của Nhuận, chúng tôi lập nên những nhóm hát 3 , 4, 5 người. Nhóm của chúng tôi được cho cái tên rất đẹp là Hương Xưa, Ban Hương xưa gồm có Mai Phương, Vũ Khiêm, Như An và Hồng Tước. Chỉ tội nghiệp mấy ông chồng lâu lâu phải ngồi nghe các bà hát. Tội nghiệp nhất là anh Hạnh, chồng của Khiêm ,thật là dễ thương. Lúc nào anh cũng cố gắng lái xe từ San Diego lên khu Bolsa để cho Khiêm tập hát và lúc nào cũng cầm máy hình đi chụp cho chúng tôi những tấm hình áo dài thật đẹp!

Hương Xưa vẫn mỗi tuần đến gặp nhau, tập hát với nhau. Khi nào có hội đoàn bạn rủ rê, chúng tôi lại đến hát để vui chơi, rồi xí xọn ngay cả trong cách ăn mặc khi trình diễn. Chúng tôi rất mê áo dài lụa nội hoá đủ màu sắc, bóng bẩy mà lại trong rất dịu dàng, thanh lịch trên sân khấu. Nhuận còn có cái thú làm nữ trang, thế là lại có những vòng đeo, những đôi bông tai giống nhau cho cả nhóm. Có những người bạn biết chúng tôi hát chưa hay nhưng vẫn đến nghe để ủng hộ Hương Xưa và còn đặt cho chúng tôi cái tên "Tứ ca điệu"!

Nhuận yêu thích ca hát đến độ bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức để tập luyện cho nhiều nhóm hát nhỏ 3,4 người . Cũng do sáng kiến của Nhuận và Mai Phuơng , một ban hợp xướng gồm các cựu nữ sinh Trưng Vương đang được thành hình. Lực lượng Trưng Vương ở vùng này quả là đông đảo mà các chị, các bạn và các cô em TV thì rất năng động.. Thế là chỉ trong vòng vài tuần chị Hội Trưởng Mai Phương và Bác sỹ Nhuận - tức ca sỹ Như An - đã kết nạp được rất đông các chị và các bạn đến tập dượt ca hát mỗi sáng Chúa Nhật. Hy vọng bắt đầu năm 2016, ban Hợp Xướng TV, nhóm Hương Xưa và một vài nhóm TV khác sẽ mang tiếng hát của mình tô điểm một chút gì thêm cho cuộc đời xung quanh và cho cả chính cá nhân mình.. Các bạn chờ đấy nhé. Thay vì hát nhép theo đĩa nhạc, chúng tôi sẽ hát sống trên sân khẩu với những phần bè khác nhau, và tôi tin rằng Hội TV Nam Cali thừa sức làm được công việc này.

Ban Hợp Xướng và Nhóm Hương Xưa ( Jan 3, 2016 )

Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi hình như đang trở về sống lại cái tuổi thanh xuân ríu rít , khúc khích với nhau mỗi khi được gặp nhau. Tôi nhìn thấy mùa xuân vẫn như còn quanh quẩn đâu đây, tôi vẫn nhìn thấy dáng xuân thấp thoáng sau những tà áo lụa màu sắc rực rỡ. Đấy chẳng là một điều quý giá vô cùng cho cái tuổi về hưu của chúng tôi hay sao!

Hồng Tước ,TV 58-65

Mùa thu California 2015

Xe "các bông hoa" cựu nữ sinh TV trong buổi diễn hành Tết Bính Thân