chuyện phiếm : NHất chín nhì bù

Lê Ngọc Phượng


Đối với những nhà vườn trồng hoa, thị trường Tết bao giờ cũng là canh bạc cuối năm, vô cùng khó đoán. Và người nông dân dù làm mặt hàng nào cũng cũng như cưỡi cọp không còn đường xuống, chỉ còn trông nhờ may rủi, chấp nhận nhất chín nhì bù . Mà chẳng lẽ vài năm thất bại rồi đành đoạn bỏ nghề sao ?Thời buổi ngày nay, nghề nào cũng có khó khăn riêng của nó! Nghề trồng hoa cũng đâu dễ theo dễ bỏ ? Đã gọi là "làng nghề",thì ít gì dân "làng" cũng có lòng yêu nghề, cái nghề mà cha ông truyền lại từ bao đời. Hiềm một nỗi nghề làm hoa Tết có cái ngặt là phải căn đúng thời điểm "ra hàng", và thời gian tiêu thụ hàng bị khống chế chỉ trong dăm ngày Tết, không trước, mà cũng chẳng sau .Trừ một số kiểng lưu niên như mai, kiểng bonsai , những hoa Tết như cúc, thược dược, mào gà,... kể như là hàng không tồn kho, bán không được là cả năm công sức chăm bón thành công cốc. Bởi vậy một cặp cúc ngày 28 tháng chạp bán giá 180 ngàn,qua sáng 30 còn trăm, chiều 30 còn 50, sau đó là trả tiền cho xe rác đổ bỏ.Gặp những lúc đó thì ai lấy nhiêu tùy sức!

Đào Bắc còn thê thảm nữa, như Kinh Kha qua sông Dich, chẳng hẹn ngày về!

Phải là dân có máu mê đỏ đen mới giám "đánh" hàng Đào bắc!

Năm nay miền Bắc, hoa đào nở sớm, nhà vườn ngoài ấy cũng khốn đốn! Vậy mà đào cũng nở rộ vườn hoa Hoàng Văn Thụ!

Nở rộ nhưng mà hoa tí xíu (vì bị ép ?). Phải là khách miền Bắc nhớ hương vị Tết "ngoài kia" lắm thì mới bóp bụng "lấy" một cành! Đám còn lại không khéo lại thành củi nấu bánh chưng!

Biết được quy luật ấy, nhiều người dân chờ đến phút chót mới đổ xô hốt hàng. Cũng có năm hàng bán chạy, những giờ cuối chỉ còn những cây kém đẹp, nhà vườn cũng chẳng thèm xuống giá, dân mua phải bấm bụng lấy đỡ về chưng Tết với người ta. Cũng có năm như năm kia, hoa còn nhiều quá, mà ai cũng chờ giờ chót, nhà vườn nóng ruột xuống giá lia lịa mà cũng không xong! Người ta còn chờ tới lúc xe vệ sinh đến để hôi chùa! Tôi nhớ năm đó nhà vườn uát ức đạp dập toàn bộ các giỏ lan, và thà trả tiền cho xe rác còn hơn để đám dân thành thì ăn trên đầu mình mà còn cười nhạo!

Năm nay khắp thành phố Saigon là những điểm bán hoa: Ở công viên, trước chợ, ở khu phố; đâu đâu cũng thấy cả "rừng" hoa cúc, hoa mai, hoa đào. Cái rừng đó tới ngày 29 rồi mà không suy suyển bao nhiêu! Người bán hoa mặt mày phờ phạc nhìn đám xem hoa lượn lờ chỉ trỏ, làm dáng chụp hình!

Nhớ năm xưa, thời Nguyễn Viết Thanh làm chủ tịch thành phố, ông chủ trương không làm đường hoa vì lý do lãng phí.Ngày đó tư tưởng này được coi là đúng đắn.Sau này khi lập lại đường hoa, lãnh đạo thành phố lại được tiếng là giữ được truyền thống lâu đời! Dân làm hoa cũng được vui vì số lượng bán cho đường hoa cũng là kha khá! Nhưng "dân" ăn được bao nhiêu trong số hàng tỉ đổ cho đường hoa mỗi năm? Mà hàng tỉ đó cũng là lấy từ đóng góp của dân chứ ở đâu ra ? Mà đâu phải "ai" cũng có sản phẩm được "lên" đường hoa ? Chỉ ít nhiều nhà vườn "có cánh" còn thì tất cả đều "nhất chín nhì bù!

Hôm nay qua ngày mồng 1 Tết, chẳng biết dân làng hoa ,lo Tết cho thiên hạ, mà không biết có Tết cho mình ?

Đọc thấy bài của Nguyễn Đình Bổn:

Sự tàn nhẫn chiều 30 tết!

Từ nhiều năm trước, tại nơi hằng năm tôi về ăn tết vì có mẹ già, là thị xã Đồng Xoài đã diễn ra cảnh này. Một trong những cảnh mà tôi cho là đau lòng nhứt trong ngày 30 tết: người trồng hoa tự tay đập nát những giỏ, chậu hoa do chính mình nâng niu trước đó, đập trong sự bất lực, thất vọng trào nước mắt, bởi họ không muốn sản phẩm của mình bị người đô thị lợi dụng mang về nhà với giá rẻ mạt hoặc là miễn phí.

Chiều hôm nay, qua báo chí tôi nhìn thấy cảnh tượng này tại công viên 23.9 Sài Gòn. Nhìn thấy chậu vỡ, hoa thì tan nát và người bán rơi nước mắt.

Một bộ phận người dân đô thị tin rằng vào sau 12g trưa ngày 30 tết là thời điểm mua hoa rẻ nhất, luôn dưới giá thành bởi lúc đó mặt bằng công viên cho thuê phải trả lại, và người bán cũng phải về nhà. Vì vậy, có một thực tế, cứ sau giờ này, rất nhiều cư dân đô thị có tâm lý thực dụng đã ra chợ hoa trả giá, hoặc tệ hơn, họ chờ xem có cơ hội sở hữu vài chậu hoa (dù giá trị không cao) miễn phí!

Và đó chính là bi kịch của người trồng hoa. Và đó là bi kịch của hoa khi chính người chủ từng nâng niu hoa như con phải ra tay đập nát, dày xéo những giỏ hoa của mình để phản ứng lại những toan tính của một số cư dân đô thị!

Trách ai đây? Người trồng hoa vì họ đã không có một đường hướng kinh doanh hiệu quả? Một bộ phận cư dân đô thị chỉ vì muốn hưởng chút lợi trên sự thiệt thòi của người mang hoa đến cho mình? Hay trách những người lẽ ra có trách nhiệm nhưng chỉ nhanh chóng nhận công đầu còn sự thiệt thòi cay đắng thì "sống chết mặc bay"?

Thấy mà muốn ứa nước măt!

Lê Ngọc Phượng

Mồng 1 Tết Ất Mùi

(19/02/2015)