Chuyện phiếm : Quan và Dân

Lê Ngọc Phượng


Trên cùng một tờ báo có 2 bản tin khiến người ta phải suy nghĩ:

Bản tin thứ nhất nói về một vụ hôi của sau một vụ tai nạn khiến người dân địa phương (Biên Hòa) xấu hổ, phải làm biểu ngữ xin lỗi :

Theo báo chí tường thuật,chiếc xe chở 1300 thùng bia bị lật,một số thùng bia đổ ra đường,người dân địa phương (Thuận An) túa ra đường ôm lượm không kể lon lẻ hay thùng,đã đổ ra đường hay còn trên xe,gây ra một cảnh náo loạn vô pháp luật.90% số hàng trên xe bị lấy mất!

Chuyện này(hôi của trong những tai nạn lưu thông) thì không lạ ,nhưng lần đầu mới thấy người dân không vô cảm!

Tờ báo viết:

Một người dân bình thường đã “xấu hổ… thay” cho một đám đông cả trăm người ùa ra giữa đường cướp bia, hôi của trên tai nạn của người khác giữa ban ngày ban mặt. Bởi hình ảnh cướp bia là hết sức phản cảm, cho thấy “người Việt xấu xí”.

May quá, không phải tất cả người Việt ở VN, ở Biên Hòa đều xấu xí. Ít nhất, có một người (cụ thể là chủ nhân tấm băng rôn trên) dù không hề tham gia “cướp bia” nhưng đã thẳng thắn lên án hành vi đáng xấu hổ này bằng cách treo băng rôn, bày tỏ: “tôi thấy xấu hổ thay”. Chữ “thay” ở đây là một phụ từ nhấn mạnh, đồng nghĩa với “quá”, “lắm”. Nhưng tôi có cảm giác, người viết và treo băng rôn còn cảm thấy “xấu hổ… giùm” cho những ai đó. “Xấu hổ thay” là bên ngoài nhìn vào, còn khách quan. Còn “xấu hổ giùm” là chính mình cũng thấy tự xấu hổ với hành động cướp cạn của những người đồng bào, đồng hương với mình. Với cả hai ý nghĩa, dòng chữ ấy đều nói lên sự bức xúc khi phải chứng kiến những “hành động kỳ quặc” như vậy xảy ra trên quê hương mình.

Thực ra, từ lâu nay, chuyện “hôi của” theo kiểu “cướp cạn” đã xảy ra khá nhiều trên đất nước chúng ta. Gọi đó là những hành động “vô thức” của đám đông thì chỉ đúng một phần. Vì như tôi biết, có thời (đây là thời bao cấp khó khăn) đã có những người dân “cơm đùm khăn gói” -nghĩa là rất có ý thức - lên tận đỉnh đèo Cù Mông hay đèo Cả, ngủ qua đêm, chờ xe tải hay xe đò bị tai nạn để… hôi của. Đó là chuyện có thật, vì hồi ấy trên những con đèo đường xấu, tai nạn thường xuyên xảy ra. Trong vòng mấy năm qua, cũng đã hơn một lần chúng ta biết được những vụ hôi của hay cướp cạn đáng xấu hổ như thế này xảy ra trên các tuyến đường, kể cả QL1, và được các phương tiện truyền thông phản ánh.

Tờ báo có lời bình tiếp:

Lên án thì dễ. Xấu hổ thay cũng không quá khó. Nhưng làm thế nào để chấm dứt những cảnh xấu xí, vô đạo này thì quả thật không dễ. Một khi những người chứng kiến thì không phản ứng, mặc-kệ-nó, còn không ít cơ quan công quyền thì thờ ơ, vô trách nhiệm.

Không phải những người “cướp bia” ở vòng xoay Tam Hiệp trưa 4.12 đều là những người nghèo, những người hoàn toàn không có khả năng tài chính để uống vài lon bia, những người cướp bia để bán. Trái lại, rất nhiều người “xông vào, liều mình như chẳng có” ấy là những người có “bát ăn bát để”, những người thường uống bia, hoặc chẳng xa lạ gì với món đồ uống này. Họ hôi của, hay cướp, chỉ để thể hiện “kỹ năng”, thể hiện “cá tính” của mình. Đơn giản hơn, chỉ vì tham, vì suy nghĩ: “Cái gì trong xe anh là của anh, nhưng nếu đổ ra đường, thì là của… chùa, tôi có quyền lấy, nếu tôi nhanh nhẹn”. Đúng là họ đã nhanh nhẹn, đã hào hứng khi làm việc đáng xấu hổ này, cũng vì họ không hề cảm thấy xấu hổ. Chứ nếu đã có một chút tự trọng, một chút tự xấu hổ, không khi nào họ làm chuyện đó...

Như vậy ,cùng với phương tiện truyền thông,"một bộ phận" người dân đã không còn thái độ mac_kê_no,vô cảm.Nhưng sẽ được gì khi "còn không ít cơ quan công quyền thì thờ ơ, vô trách nhiệm."

Phải vậy không ?

Xin coi tiếp một bản tin thứ hai nói về đám cưới của con trai giám đốc công an tỉnh Bình Phước tại khách sạn The Mira Bình Dương với 180 bàn tương đương 1800 thực khách:

"...Theo quan sát của PV Thanh Niên, hàng chục xe công biển số xanh ở Bình Phước được huy động chở các “sếp” đi đám cưới, sau đó đậu tràn ra các tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một. Khoảng từ 11 giờ trưa (ngày 8.12), hàng trăm xe con ùn ùn đổ về khu vực khách sạn The Mira để dự tiệc tại đây. Số lượng xe không thể đếm xuể vì có cả xe biển số xanh, đỏ, trắng đậu chật kín 3 bãi để xe của khách sạn, siêu thị và bãi xe phụ. Chưa hết, những chiếc xe công của tỉnh Bình Phước còn đậu tràn lan hai bên Đại lộ Bình Dương, đường Hoàng Hoa Thám và đường Huỳnh Văn Lũy. Tình hình giao thông trên Đại lộ Bình Dương càng trở nên căng thẳng khi các bãi xe của siêu thị Big C Bình Dương và bãi giữ xe của khách sạn kẹt cứng. Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, hàng chục chiếc xe bắt đầu đậu tràn ra đường, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ. Chưa hết, nhiều ô tô biển số xanh còn phớt lờ biển báo cấm đậu, biển nhường đường cho người đi bộ... và cứ vô tư đậu ở vỉa hè bên trái, đậu hàng 2, hàng 3 từ vỉa hè cho đến lòng lề đường...."

Bình Phước là một tỉnh nhỏ,ngày xưa nằm cùng với Bình Dương ở tỉnh Sông Bé cũ.Dân Bình Dương thấy ngứa mắt thì cũng phải,nhưng chuyện "phớt lờ luật giao thông" trong đám cưới con giám đốc công an có là "cái đinh" gì ? Người ta ngứa mắt vì sự phô trương của quan,bất cầm đếm xỉa gì đến dư luận.Chuyện ồn ào như vậy mà " quyền Chánh thanh tra giao thông - Sở GTVT Bình Dương, giải thích: “Do là ngày nghỉ, ở khu vực tổ chức đám cưới chúng tôi không nhận được thông tin”

Còn bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, xếp của xếp giám đốc CA Bình Phước thì phát biểu :" Lãnh đạo tỉnh thì anh em bạn bè người ta nhiều nên có gì thì cũng phải thông cảm. Như đồng chí Huệ chỉ có một đứa con một à, nên anh em đi dự đám cưới cũng hơi nhiều chút. Nhưng nói gì thì nói, việc đó là có sơ suất, phải rút kinh nghiệm”.

Quan đã nói vậy thì thôi,chúng mình cũng nên rút kinh nghiệm khi gặp những tin tức loại này !

Lê Ngọc Phượng

Tháng 12/2013