Chuyện phiếm: Nghề chơi cũng lắm công phu

Lê Ngọc Phượng

Thư đi:

Tại sao nghe âm thanh analogue vẫn hay đặc thù so với digital?

Trong thế giới âm thanh thật đa dạng này, rất khó so sánh giữa nhiều loại AT do thiết bị điện tử tạo ra. Cho tới thế kỷ 21, có lẽ bất cứ ai cũng đã từng nghe nhạc, nhưng không ai có thể phủ nhận sự độc tôn của của loại AT digital (kỹ thuật số). Nó loại bỏ hoàn toàn những khuyết điểm của loại AT analogue (tuyến tính) trước đây như độ méo (distorsion), tiếng ồn (noise) v.v. Nó còn có tính phổ dụng, nghĩa là dễ sao chép, phổ biến, đến nỗi hiện nay ai cũng có thể sở hữu một vài thiết bị nghe nhạc digital cá nhân với hàng trăm, ngàn bài nhạc trong đó, tuỳ sở thích.

Nhưng… thị trường nghe nhạc cao cấp hiện nay lại có khuynh hướng quay trở lại những thiết bị xưa cũ như ampli đèn (tube-amp) và những thiết bị phát âm nhạc như máy quay đĩa (turn-table, phono) với đĩa nhựa vinyl, máy quay băng (tape deck) với băng từ (magnetic band). Về tube-amp thì tôi đã có nhiều bài viết giải thích tại sao rồi, các bạn có thể coi tại đây. Tôi sẽ giải thích về những thiết bị còn lại ở bên dưới:

Không kể những người nghe nhạc theo phong cách thời thượng, nghĩa là họ nghe người khác nói nhạc đĩa, băng hay là khen theo rối rít. Tôi đã từng thấy, nhiều người vào quán cà phê, ngồi phòng lạnh, lim dim mắt để nghe đĩa nhạc… cải lương, sản xuất trước 75, thật hết biết.

Nếu biết thưởng thức âm nhạc, nhạc analogue sẽ cho ra những AT đầm ấm, ngọt ngào hơn loại digital, vì bị lọc sạch quá nên mất hẳn hiệu ứng này. Xét về diện kỹ thuật, kỹ thuật AT analogue bao giờ cũng còn bị tiếng ồn nền (noise floor), cho dù rất nhỏ, không nghe được nhưng giác quan con người vẫn cảm nhận ra được. Điều này làm cho người nghe gần gũi với thật tế hơn, vì trong tự nhiên, cho dù ở sa mạc vắng bóng người, vẫn có những tiếng động thật nhỏ, như không khí xao động, khoảng 2-30dB, tai không nhận ra được, nhưng vẫn có cảm giác, huống chi chúng ta đang sống trong xã hội nhộn nhịp này, dù ở trong nhà đóng cửa, noise floor có thể lên đến 60dB, hay hơn.

Thứ hai, AT analogue còn cho chúng ta nghe, cảm nhận được những giải tần ngoài giải nghe được của con người. Điều này sẽ giải thích tại sao khi nghe nhạc sống (live), các bạn sẽ thấy thích thú hơn nghe bằng đĩa CD, cũng bản nhạc ấy. Không chỉ lọc tiếng noise trong giải tần nghe được, thiết bị digital còn lọc sạch sẽ những giải tần ngoài 20Hz => 20kHz, sạch thì có sạch, nhưng nghe nó khô khốc làm sao đó.

Thứ ba, với thiết bị xưa, các bạn còn nghe, cảm giác thấy tiếng kim nạo trên rãnh đĩa, tiếng băng từ miết vào đầu từ (head), một cảm giác thật thú vị, thân mật. Với những người mang nặng tính hoài cổ, có vẻ hồn xưa còn phảng phất đâu đây.

Cuối cùng, studio ngày xưa thường xử dụng mico ruban cho ca sĩ, đáp ứng nhiều âm trầm mượt mà, không như ngày nay dùng loại micro condenser, tiếng hát quá sắc bén. Gần đây, có những đĩa nhạc thu trong studio hiện đại, nhưng phát hành dạng đĩa nhựa, nghe cứ như đem số 0-1 dán lên đĩa, phá cả tinh thần nghe đĩa nhựa, phải không các bạn?

Không gì bằng những đêm mưa rả rích, ngồi bên dĩa nhựa vinyl, nghe Frank Sinatra hát tình ca, Andy William rên rỉ não nuột, những bản luân vũ của Strauss vượt thời gian, các bạn hãy thử xem.

Nghề chơi cũng lắm công phu…

Lê Tuyên Phúc.

9/4/2015

Tin lại:

Âm nhạc không chỉ đơn thuần là "nghệ thuật điều hòa âm thanh sao cho du dương" (với lỗ tai người nghe, như định nghĩa). Nhạc còn "dĩ tải ý", vì vậy sự nghiệp của nó còn cao cả hơn nhiều! Ý ở đây bao gồm cả giai điệu lẫn ca từ . Nghe thử bài Exodus không lời, bạn có thấy xúc động?

Nghe Thanh Lan ca Ngàn Thu Áo Tím, bạn có thấy bâng khuâng ?, nghe Thái Thanh ca Mẹ Gio Linh, bạn có thấy bồi hồi, muốn khóc???Trong những trường hợp đó, "âm thanh" phát ra từ những máy nghe nhạc "hiện đại" chỉ đóng một vai trò khiêm tốn.Nói là khiêm tốn bởi vì (theo tôi) nó chỉ chiếm 30% trong sự thành công của một bài nhạc, bởi vì ngoài giai điệu, ca từ, hòa âm, phối khí, "nhìn" (trong nghe nhìn) cũng phải kể đến! Bởi vậy,nếu "bọn trẻ" thích một bài hát mà giai điệu khập khiễng, ca từ không ra gì, ca sĩ không rành nhạc lý, nhưng có hòa âm phối khí tốt, ban nhạc hay, âm thanh xịn, vũ đạo giỏi, sân khấu "hoành tráng", có thể là bởi vì "những giá trị khác" đối với chúng không còn quan trọng!

Riêng về phần âm thanh, tỉ trọng của nó trong bài hát (30%), tuy nhỏ nhưng không kém phần quan trọng khi ta so sánh 70% với 100%. Nhưng nếu 30% đó và một số yếu tố khách quan khác có thể giải quyết bằng kỹ thuật, thì giai điệu và ca từ cũng như việc thể hiện nó phải lệ thuộc vào con người và không thay thế được. Đó mới chính là chân giá trị của nghệ thuật!

Còn nói như cô Trần Thị Bông Giấy, người tự nhận mình tốt nghiệp Nhạc viên, là học trò Lê Hữu Mục, rằng giai điệu và ca từ của ông Phạm Duy chẳng ra gì, vì ông không thông suốt ký âm pháp, không điêu luyện nhạc khí, sáng tác chỉ là các hợp âm guitare loại “son đố mì", thì quả là cô này quá giận mất khôn, vì đối với cổ "những giá trị khác" cũng không quan trọng. Phủ nhận Phạm Duy như vậy, cổ cũng đã phủ nhận gần hết những nhạc sĩ của nền âm nhạc VN, trong đó có ông thầy Lê Hữu Mục, đông thời cũng không chứng tỏ được những cái cô hơn người (nhạc viện) đã làm nên "tích sự" gì ?

Phúc nói rằng:

Không gì bằng những đêm mưa rả rích, ngồi bên dĩa nhựa vinyl, nghe Frank Sinatra hát tình ca, Andy William rên rỉ não nuột, những bản luân vũ của Strauss vượt thời gian, các bạn hãy thử xem.

Chính là công nhận những giá trị (con người) đó rồi!

Ở đây không kể tới phần âm thanh (của Phúc) nghe!

Còn chuyện:

Nghề chơi cũng lắm công phu…

Thì hẳn nhiên rồi !!!

Lê Ngọc Phượng

10 Tháng 4 / 2015