Chuyện phiếm : Cuối cùng cho một tình yêu

Lê Ngọc Phượng


Cuối cùng thì tình bạn giữa Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung cũng tan nát trước khi người ta được biết cái tình bạn ấy bắt đầu từ đâu và thắm thiết dường nào ? Những fan hâm mộ của TCS và KL không phải ai cũng biết bài nhạc "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu" là phổ thơ bài cùng tên của Trịnh Cung từ những này xa xưa lắm.Những Album do Ánh Tuyết hay Thanh Lam chỉ ghi là sáng tác của Trịnh Công Sơn.Những băng nhạc trước 75 với tiếng hát của Khánh Ly (Dĩa nhựa Việt Nam,Băng Shotguns 8,Khánh Ly 3) hay Lệ Thu (Nhật Trường 10,Phạm Mạnh Cương 5,Nhật Trường 6) cũng chỉ ghi một tên Trịnh Công Sơn.Nên nhớ Khánh Ly hợp tác với Trịnh Công Sơn từ 1964,trong khi bản nhạc Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu được làm năm 1958.

Lúc đó (khoảng 1965 đổ lại,vì đã có sự hiện diện của Khánh Ly), quả thực bìa nhạc tờ cũng chỉ để tên ông nhạc sĩ.

Không biết cái tên Trịnh Cung được người ta biết đến tự lúc nào ?Và có nhiều người biết không?

Mới đây,trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn năm 2013 với chủ đề "Cuối cùng cho một tình yêu",người ta lại thấy Ánh Tuyết ca bài này với lời giới thiệu Nguyễn Ánh 9 đệm đàn (phút 1:11:37)nhưng cũng không thấy tên Trịnh Cung. Không cần ?hay không đáng ?

Họa sĩ,nhà thơ Trịnh Cung cho biết:

Về hai bài thơ của tôi đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Trước hết tôi nói về bài Cuối cùng cho một tình yêu. Từ năm bài thơ đã được phổ nhạc cho đến nay, chỉ thiếu 3 năm là được nửa thế kỷ. Năm 1958, tôi viết bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu, và cũng ngay năm đó, Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Cho đến nay, nó đã sống gần nửa thế kỷ. Câu chuyện về bài thơ này cũng đã có một số người hỏi tôi về nguồn gốc tại sao nó ra đời, câu chuyện tình trong đó nói về ai. Riêng ca sĩ Khánh Ly trong một lần nói chuyện với hãng băng đĩa Asia có kể về câu chuyện tình này. Khánh Ly kể rằng là trong một đêm thức dậy, tôi đốt tập thơ tôi, tôi khóc hu hu. Lúc đó Trịnh Công Sơn thường từ B’lao về ở với tôi trong một căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa cho 3 người ngủ trên 1 chiếc chiếu. Trịnh Công Sơn nghe tôi khóc mới bật dậy, thấy tôi đốt tập thơ mới chụp lại và giữ được 1 bài thơ, đó là bài Cuối cùng cho một tình yêu, Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ đó. Ðó là câu chuyện mà Khánh Ly đã kể. Có lẽ Khánh Ly đã nghe Trịnh Công Sơn kể và sau đó do thời gian thế nào, đã có một câu chuyện hấp dẫn về bài thơ này. Nhưng đây là những tháng ngày, cũng gần như là cuối đời của tôi, tôi rất cám ơn Khánh Ly đã kể câu chuyện ấy với quí vị, nhưng hôm nay tôi muốn nói thật về bài thơ này.

Sự việc tôi đốt tập thơ là có thật bởi vì đó là một thái độ mà tôi cần có để tôi tập trung cho hội họa, tôi không muốn dịnh líu đến thơ ca vì tôi có một quan niệm là làm cái gì làm cho tới nơi, hai ba thứ nó lôi thôi lắm, cho nên tôi quyết định hủy bỏ làm thơ để tập trung cho hội họa. Nói về vấn đề bài thơ do Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Năm tôi đốt thơ là năm 1963, nhưng Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1958, không có nghĩa như câu chuyện Khánh Ly đã kể. Bài thơ này tôi làm khi tôi ra Huế, “học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tất cả hình ảnh của cô gái Huế thời đó vẫn còn cực kỳ thơ mộng và không thay đổi được. Vào thời đó, những nữ sinh trường Ðồng Khánh, tầm tan trường, họ như là những cánh bướm trắng bay trong những công viên ở trước bờ sông Hương và tôi lạc lõng giữa những đàn bướm ấy. Lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tiếp cận được họ đâu vì họ có một cung cách rất Huế, rất thiêng, rất kín đáo và mình chỉ có biết đi theo, nhìn ngắm họ rồi mơ mộng về họ và bài thơ này tôi viết về họ. Hình ảnh một cô gái Huế chung chung thôi và tôi hư cấu thành một chuyện tình. Tôi ngông cuồng để cho thấy rằng mình không phải là “học trò trong Quảng ra thi” mà mình cũng là một cái gì, cũng có thể từ khước họ, cho oai. Một lối hờn dỗi của một người không chạm được đến tình yêu, nên bày ra cái trò là… Ừ thôi em về, cứ về đi, tại vì có được đâu mà bảo ở lại, cho nên thôi để cho oai hơn là cứ… Ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi. Nhưng Có anh bạn làm thơ ở Sàigòn lại có một suy nghĩ khác về “hai bàn chân mỏi” rất là vui, chưa bao giờ có một hình ảnh sex đến như vậy. Tại sao lại có hai bàn chân mỏi, chỉ có yêu quá đáng mới mỏi thôi! Nhưng thật ra vào thời của chúng tôi, vào thập niên 50-60, tình yêu rất là thánh thiện, toàn là mơ mộng, toàn là tưởng tượng, không dám chạm đến bàn tay của người con gái mình yêu thích thì làm gì có chuyện sex với xiếc. Thế thì câu chuyện của bài thơ đó là bài thơ hoàn toàn hư cấu nhưng dựa trên cung cách của những cô gái Huế thời đó. Lẽ dĩ nhiên nó thuộc về những cô gái đẹp của thời đó, cũng là chuyện bình thường thôi. Cái gì mà con người ta dâng hiến thì thường dâng hiến cho những gì tốt nhất, đẹp nhất. Lẽ dĩ nhiên là đẹp nhất đối với mình. Ở đây không có nghĩa là những cô gái xấu kia không đẹp, tại vì là chưa chắc tôi đã nhìn ra những cái đẹp của họ, họ có thể đẹp dưới cái nhìn của những người đàn ông khác. Thành ra, nếu có phạm vào điều gì cũng cho tôi xin lỗi. Dẫu sao những cô gái đó ngày nay đã thành bà, bà nội, bà ngoại rồi, phải không? Cho tôi gởi lời thăm hỏi những cô gái Huế, vẫn đẹp trong lòng tôi cho đến ngày hôm nay.

Hoạ sĩ Trịnh Cung

Xin mời nghe Khánh Ly:

Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu

Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới

Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói

Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây

Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi

Tình yêu xứ này

Một lần yêu thương, một đời bão nổi

Giã từ, giã từ chiều mưa giông tới

Em ơi em ơi

Sầu xuống thôi đầy, làm sao em nhớ

Mưa ngoài song bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây

Sầu xuống thôi đầy

Sầu xuống thôi đầy...

Mấy hôm nữa Khánh Ly về Việt Nam để lại hát cho khán thính giả Việt Nam nghe.

Hát để đáp lại cái tình của khán giả dành cho cô,hay đáp lại cái tình ông Trịnh Công Sơn dành cho cô <một chút xíu thôi trong khối tình đã được xẻ làm nhiều mảnh của ông,mà chị em Diễm (xưa) và Dao Ánh chiếm 2 phần lớn ?>

Và liệu Khánh Ly có hát bài này ?

Cuối cùng rồi thì tình yêu,tình bạn,tình gì gì nữa,cũng phải đến hồi kết thúc! Chẳng biết cái "tình cảm" mà "người xưa"dành cho Khánh Ly,rồi cũng sẽ như vậy ?

Lê Ngọc Phượng

Tháng 4/2014

Xem thêm