Chuyện Phiếm : Chuyện cổ tích

Ngày xưa nhân vật Long trong Giông Tố của Vũ trọng Phụng nói rằng:

"Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu"

Ngày xưa Vũ Hoàng Chương lại nói:

"Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ..."

Tôi cũng có những thuở ngày xưa ấy ,tuy không đến nỗi oán hận đời như thế,nhưng thấy đường công danh của bạn bè,đôi lúc mình cũng tủi thân,và cho rằng mình có phần không may mắn!Thế hệ chúng tôi sinh ra trong một thế giới bất ổn hỗn loạn với rất nhiều biến cố đau thương.Tôi bị quay cuồng như_và cùng với_ những người dân Việt bình thường:chạy Tây,dinh tê,di cư,quân dịch,cải tạo,vượt biên,..,không có biến cố nào của đất nước không có tôi tham dự!Tôi đã đi đủ "đoạn đường chiến binh",nhưng nghĩ lại,tôi vẫn quả quyết đời mình còn may mắn chán! Nếu so với những người anh em tôi ở quê nhà miền Bắc,cuộc đời ấy,dù có lúc đắng cay,vẫn đẹp như một chuyện cổ tích vì chẳng còn tìm thấy đâu trong đời này!

Tuổi thơ của tôi không có gì đặc biệt (thiểu số),mà bình thường như bất cứ trẻ em nào ở nông thôn (đa số).Điều này chả khẳng định đa số sướng hay thiểu số sướng.Khi ở nhà quê,tôi sướng kiểu nhà quê,như câu thơ của Đỗ Trung Quân,được nhạc sĩ Giáp văn Thập phổ nhạc:

"...Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè..."

Đi thả diều,câu cá,lội sông,buộc tổ sáo là những trò chơi dân dã,nhưng có ai nói rằng chỉ có trò chơi của trẻ em ngoài tỉnh mới là đáng nhớ?Không,chính những trò chơi dân dã ấy mới đáng đưa vào cổ tích!

Khi chiến trang bùng phát,người lớn chơi trò bắn giết với đồ chơi là súng đạn,trẻ em cũng có súng đạn để chơi! Đó là những tảng thuốc nổ c4 mềm mềm,những ca tút đạn 37 ly,những bịch pháo bồi của ca nông 105 ,hay những chuỗi pin nhà binh đẻ chắp thành đèn rọi cá,...Trò chơi chiến tranh của trẻ em cũng nguy hiểm như thật,nhưng chẳng cha mẹ nào quan ngại,vì thời chiến mà! Vả lại có đồ gì khác cho chúng nó chơi đâu ?Những trò chơi này các bạn tôi ở tỉnh làm sao biết được ? Và làm sao tìm lại được ?Nó chỉ còn ở trong cổ tích!

Ngày tôi còn bé xíu,tôi cũng đã có một công chúa cho riêng mình.Nàng công chúa ấy không tồn tại lâu,nhưng "ám"cuộc đời tôi một thời gian dài.Tôi vẫn tỏ ra ga lăng với các cô gái,chiều chuộng,tặng quà,đôi khi cũng tỏ tình xa xôi,nhưng không "dính" ai!Đến năm tôi 27 tuổi gặp em,16,tôi thấy đúng là người mà tôi chờ đợi bấy lâu!Ẻm hồn nhiên hạ nốc ao tôi,coi đó là qui luật tất yếu của phái đẹp,và không nề hà tuổi tác ẻm chấp nhận lời tỏ tình ấp úng của tôi,"người đàn ông từng trải"(!)Lúc đó không thiếu những "cậu" thanh niên theo ẻm tích cực,nhưng tôi có lợi thế hơn :ẻm học cùng trường với em gái tôi ,nên được tôi đưa đón hàng ngày!Không phải chỉ đưa đón,những ngày có giờ trống,ẻm điện cho tôi,và 2 đứa đưa nhau đi ăn,đi chơi,đi xem ciné.Đó là những ngày hạnh phúc trong cảnh thanh bình của thành phố Sài Gòn đầy tình người!Tôi nhớ một lần tôi đưa ẻm vào quán Chí Tài ở Chợ Cũ ăn bữa trựa.Quán khá đông người nên người bồi bàn xếp chúng tôi ngồi chung với một ông khách lớn tuổi,có vẻ là một Hoa Kiều.Chúng tôi chào ông và xin phép ngồi chung,ông mỉm cười đáp lễ.Suốt bữa ăn,ông cứ,nhìn chúng tôi âu yếm lo cho nhau,và miệng cứ mỉm cười.Ăn xong ông ra về trước,đến lượt chúng tôi kêu tính tiền để về,thì mới biết rằng ông già đã trả trước cho chúng tôi rồi.Chuyện này không phải là sự lầm lẫn _rằng ông và chúng tôi đi chung với nhau_vì chính người bồi bàn cũng biết điều ấy.Ông già đãi 2 đứa chúng tôi một cách âm thầm!Cái niềm vui bất ngờ đó theo chúng tôi đến tận ngày nay!Lại một lần khác,tôi đưa ẻm lên lầu 2 tiệm Động Phát ở đường Hàm Nghi.Quán vắng tanh,hầu như chỉ có hai đứa tôi,và 3 người bồi phục vụ.Chúng tôi cũng chỉ gọi mấy món ăn bình thường,nhưng cung cách phục vụ của 3 người bồi thì cực kì chu đáo,cứ như chúng tôi là khách vip!Tôi vừa rút điếu thuốc,đã thấy diêm bật sẵn !Ẻm vừa rớt chiếc đũa,có ngay một đôi mới tức thì!Và khi về,cả ba người bồi đứng tiễn ở đầu thang,một người nói,xin được phục vụ chúng tôi trong tiệc cưới!Động Phát,Chí Tài không phải là "chốn thanh lịch",mà chỉ là những quán ăn thường thường bậc trung" ở Sài Gòn.,ai cũng có thể vào được và không ai coi chuyện vào những quán ấy là "giảm giá trị",là "không sành điệu",ngoài ra quán nào cũng có vài món "đặc sản",nói theo ngôn ngữ thời đại,giờ đây muốn ăn, chẳng biết kiếm đâu ra!Ngày nay người ta xô bồ quá,quán xá nhiều,phân chia đẳng cấp,phân biệt giầu nghèo,đi ăn quán đắt tiền để có món ăn ngon,gặp những thực khách đi vào đi ra,mặt mày vênh váo,tự dưng thấy hết muốn ăn.Gần đây xem báo thấy nói đến những quán phở quát,cháo chửi Hà Nội,chúng tôi thấy thương hại dân Hà Thành,họ muôn đời không được hưởng sự thanh lịch nơi mà xưa kia nổi danh với câu"Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An".Ngày đó xã hội miền Nam thật là an lành!Tôi không hiểu trong cổ tích thế nào,nhưng tôi đã từng 11 giờ đêm cùng mấy đứa bạn bắt đầu đi xe máy từ Sài Gòn ra Vũng Tầu!Một vụ án mạng"cô Quờn đốt chồng" cũng đủ vang dội kéo dài mấy thập kỉ!Một cô ca ve,mà tôi còn nhớ tên là Cẩm Nhung ,bị tạt át xít cũng đủ khiến công luận bàn tán xôn xao,căm phẫn kẻ thủ ác dã man!Bây giờ thì những chuyện như thế là"chuyện thường ngày ở huyện" và cái không khí thanh bình xưa,giờ người ta chỉ còn tìm thấy trong cổ tích!

Nhạc sĩ Văn Cao lúc cuối đời hẳn phải là người hạnh phúc khi biết rằng chẳng những Thiên Thai,Bến Xuân được người miền Nam ái mộ,mà cả những Làng Tôi,Cung Đàn Xưa,Thu Cô Liêu,Chiến Sĩ Việt Nam,Thăng Long Thành Hành Khúc,Hải Quân Việt Nam,Không Quân Việt Nam...mà người miền Bắc còn xa lạ,thì người miền Nam không mấy ai không biết! Tuy vậy Mùa Xuân Đầu Tiên "của ông" đã không đưa ông trở lại Thiên Thai,nơi"người biết yêu người".Giờ đây người ta ứng sử với nhau thô bạo,thiếu giáo dục!Đi đâu cũng thấy sự bon chen, trí trá!Một sự tử tế bình thường bỗng trở thành hiện tượng lạ!Những chuyện trái tai gai mắt được gọi là "chuyện thường ngày ở huyện",người ta thản nhiên giết nhau vì những xích mích không đâu,vì những món tiền không đáng!Vợ giết chồng,con giết cha xảy ra đều đều!Đáng sợ hơn cả là sự thờ ơ,vô cảm trước tội ác,trước tang thương của đồng loại!Ước muốn "mùa bình thường" của Văn Cao đã không thành sự thực,và vẫn chỉ là đâu đó trong cổ tích!

Bạn của con tôi thường ngạc nhiên khi thấy chúng tôi biết nhiều phim "lạ",chắc nghĩ chúng tôi ngày xưa là "cây ghiền" xiné !Đâu phải vậy.Hồi đó Sài gòn có chừng hơn triệu dân nhưng rạp chiếu phim thì nhiều lắm!Mỗi "vùng" có vài ba rạp,và trừ trường hợp muốn xem một phim "định trước"(như Phim Ấn Độ thì phải xem ở rạp Long Phụng,đường Gia Long,hay phim Tầu chính cống thì phải xem ở rạp Đại Quang ,đường Tổng Đốc Phương),thì coi ba cái rạp ấy rất là thuận lợi!Thường thì các rạp vài ngày đổi một phim mới (các rạp bình dân như Kinh Thành ,Moderne,Tân Định,Cẩm Vân,Văn Cầm ,Phú Nhuận lại còn chiếu 2 phim chung xuất)!Đó là nói về đại chúng,còn dân nghiền,hay có tiền ,muốn coi những phim "mới ra lò" (thực ra cũng sau người ta hàng tháng),thì lên Sài Gòn,vào Rex hay Đại Nam,ở đó những phim hay có thể kéo nhiều ngày!Đám sinh viên,học sinh,xu hào không rủng rỉnh thì chờ một vài tuần,phim sẽ lại được chiếu ở những rạp hạng 2 :Vĩnh Lợi,Casino Saigon (Lê Lợi),Eden (Tự Do),Lê Lợi(Lê Thánh Tôn),đôi khi ở Khải Hoàn (trước chợ Thái Bình) hay Văn Hoa (Dakao).

Một "chuyên gia" ciné (Trần đăng Chí +),trong bài "Rạp Ciné ở Saigon trước 75",đã làm một bản liệt kê (theo vần abc)gồm những rạp này:Alhambra (Nguyễn Cư Trinh),Alliance Francaise (Đồn Đất),Aristo (Lê Lai),Asam (Đinh Tiên Hoàng),Cẩm Vân (Võ Di Nguy,Phú Nhuận),Cao Đồng Hưng(Bà Chiểu),Casino Dakao (Đinh Tiên Hoàng),Casinpo Saigon (Paster),Cathay (Công Lý Chợ Cũ),Catina (Tự Do),Cầu Muối (Bến Chương Dương),Cây Gõ (Minh Phụng),Đại Đồng (Nguyễn văn Học ,Gia định),Đại Đồng (Cao Thắng),Đại Lợi (Thoại Ngọc Hầu,Ông Tạ),Đại Nam(Trần Hưng Đạo),Đại Quang (Tổng Đốc Phương),Đông Nhì (Lê Quang Định,Gia Định),Eden (Tự Do),Hảo Huê (Nguyễn Hoàng,Chợ Lớn),Hoàng Cung (Triệu Quang Phục,Cholon),Hồng Liên(Hậu Giang,Cholon) Hùng Vương (Pétrus Ký),Huỳnh Long(Châu Văn Tiếp),Hưng Đạo(Nguyễn Cư Trinh),Imperial Lê Ngọc (Nguyễn Cư trinh),Khả Lạc (Nguyễn Tri Phương),Khải Hoàn (Võ Tánh),Kim Châu (Nguyễn Văn Sâm,Chợ cũ),Kinh Đô (Lê Văn Duyệt),Kinh Thành (Hai Bà Trưng,Tân Định),Lạc Xuân(Gò Vấp),Lam Sơn (Bùi Chu),Lê Lợi (Lê Thánh Tôn),Lệ Thanh (Phan phú Tiên,Chợ Lớn),Lido (Đồng Khánh),Long Duyên (Hồ Văn Ngà),Long Phụng (Gia Long),Long Thuận(Nguyễn An Ninh),Long Vân (Phan Thanh Giản),Majestic (Tự Do),Minh Châu (Trương Minh Giảng),Minh Phụng (Hồng Bàng),Mini Rex (Lê Lợi),Moderne (Trần văn Thạch,Tân Định),Mỹ Đô (Vĩnh Viễn,tên cũ Thành Chung),Nam Quang (Lê Văn Duyệt),Nam Tiến (Bến Vân Đồn),Nam Việt (Tôn Thất Đạm),Nguyễn Huệ (Nguyễn Huệ),Nguyễn Văn Hảo (Trần Hưng Đạo),Olympic (Hồng Thập Tự),Osca (Trần Hưng Đạo),Phi Long (Xóm Củi),Palace (Trần Hưng Đạo),Quốc Thái (Trần Quốc Toản),Quốc Thanh (Nguyễn Trãi),Rạng Đông (Paster,tên cũ Hồng Bàng),Rex (Nguyễn Huệ),Thanh Bình (Phạm Ngũ Lão),Thanh Vân (Lê văn Duyệt,Hòa Hưng),Thủ Đô (Tổng Đốc Phương),Trung Hoa (Đồng Khánh),Văn Cầm (Trần Hưng đạo),Văn Cầm (Võ Di Nguy,Phú Nhuận),Văn Hoa (Trần Quang Khải,Đa Kao),Văn Lang (Phú Nhuận),Victory Lê Ngọc (Tổng Đốc Phương,Chợ Lớn),Việt Long (Cao Thắng),Vĩnh Lợi (Lê Lợi).Ông còn mô tả,và cho biết đặc tính của từng rạp,xin đơn cử :

" Lê Lợi – Lê Thánh Tôn. Rạp chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Những phim classic như “High Noon”, “Crimson Pirates”, “Vera Cruz”, “Waterloo Bridge”… được chiếu đi chiếu lại luôn, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Lịch trình chiếu phim được niêm yết trước gần một tháng để khán giả chuẩn bị ngày đi xem phim..."

Tôi ở Sài gòn từ bé nhưng chưa biết được một nửa số rạp kể trên,và các phim được chiếu ở sài Gòn có lẽ tôi đã "duyệt" được chừng 60_70% không hơn!Còn cỡ như anh nhạc sĩ Đăng Chí,thì Sài gòn không hiếm.Bởi vậy dân Sài Gòn rành ciné cũng không gì lạ,và "trình độ" xem phim của chúng tôi,nếu là "siêu đẳng" với những người từ Hà Nội vào,thì cũng là dễ hiểu,vì đối với họ chuyện đó chỉ có trong cổ tích,lý do là,hầu hết các rạp ciné ở Sài Gòn đã đóng cửa ngay sau 75 ,bởi là tất cả chủ nhân của rạp hát đều thuộc thành phần tư sản mại bản,nếu không bị đi tù như ông chủ nhà sách Khai Trí (10 năm) vì thêm tội truyền bá văn hoá đồi truỵ,thì chi ít rạp cũng bị tịch thu để nhà nước quản lý!Những rạp (may mắn)được "qui hoạch"để tiếp tục sứ mệnh chiếu phim thì,một số đóng cửa vì không có phim chiếu,một số khác có phim nhưng không được chiếu!Sau này người ta "mở của"(hi hí),nhưng lúc này truyền hình và internet đã thống lĩnh thị trường,các phim cũ thì cũng có thể tìm coi được,nhưng coi ở rạp với màn ảnh rộng thì "còn khuya",vô phương!Mới biết mình còn may mắn với 60_70%!Những người anh em 0% mới thật đúng là xui xẻo!

Vậy thì hà cớ gì chúng tôi phải thương tiếc,than van! Ít ra chúng tôi cũng đã "có một thời"!Ngôi sao của Long chưa phải là"ngôi sao xấu"!Đàn em của thế hệ Long sau này có thể nói câu đó lúc hành quân ở núi rừng Trường Sơn,tay xâm"Sinh Bắc Tử Nam".Ông thầy Vũ Hoàng Chương ,sau này đi cải tạo chắc sẽ nghĩ rằng ông đã sai khi nói "sinh lầm thế kỉ".Có thế kỉ nào nhân loại không chiến tranh.Ông góp phần hay không góp phần ?Là nạn nhân hay là tác nhân ?không cần biết!Ông đã may mắn được một thời sống trong không khí tự do để nói một câu "phản động" như vậy mà không phải ở tù!Ông không biết rằng ông đã may mắn như thế nào,và nếu được làm lại cuộc đời,tôi nghĩ,ông sẽ có suy nghĩ khác! Câu thơ "Lũ chúng tôi đầu thai lầm thế kỉ..." đáng được sửa thành :"Lũ chúng tôi đầu thai lầm vĩ tuyến...",và phải dành cho những Nguyễn Hữu Đang,Phan Khôi ...!

Bài thơ "Bơ vơ" của ông:

Mòn con mắt đợi cổng trường

Người ta về ... các ngả đường xôn xao

Bóng ai nào thấy đâu nào

Mây càng thấp gió càng cao ... Một mình

Không gian ngoảnh mặt làm thinh

Giọt mưa xuân cũng vô tình trêu ai

Mưa đầy tóc gió đầy tai

Sầu theo bốn hướng trôi dài tâm tư .

Mong càng thêm... nhớ càng như ...

Lẽ đâu tới phút này ư chưa về

Một mình gieo bước nặng nề

Gió trong xác lá bên hè tả tơi

Hồn chênh vênh bóng chơi vơi

Đất cong mặt giận chân trời lảng xa

Cho thấy ông đã sống cuộc sống đáng yêu như thế nào!Và ông sinh "đúng" thế kỉ đấy chứ!Ngày xưa,thơ như thế là bi luỵ,là tiểu tư sản đấy,còn ngày nay,thơ như thế là "hâm chết mẹ"!

Cái thời của ông chẳng còn đâu,chẳng có đâu, chẳng tìm được ở đâu,hoạ chăng là trong cổ tích.

Ba tôi lúc sinh thời thấy chúng tôi làm gì chễnh mảng,không đúng ý ông,thường "rủa"là "cho chúng mày sống với Cộng Sản để biết thế nào là lễ độ!".Tháng tư năm 1975,Miền Nam được "giải phóng"!Chúng tôi,dân Miền Nam (trong đó có ông Vũ Hoàng Chương) đã giải phóng được cái đầu ngây thơ,mơ mộng,cả tin,để được thấy cái điều bố tôi ẩn dụ!Chúng tôi như Lưu Nguyễn ,chạy đôn chạy đáo,đường biển,đường rừng để tìm lại Thiên Thai,nhưng cái Thiên Thai này nào phải cái Thiên Thai ngày xưa.Cái Thiên Thai ấy vĩnh viễn biến mất kể từ ngày 2 chàng Lưu Nguyễn về tới "trần gian"!Cái "trần gian" ấy giờ đây là địa ngục ,với một số người,nhưng là Thiên Đường của một số người khác:những người chiến thắng,dù rằng cái Thiên Đường này không phải là cái Thiên Đường mà họ chủ đích đi tìm!Và rồi người ta lại thấy cái Thiên Đường này cũng chỉ là phồn vinh giả tạo!Khi người chiến thắng được giải phóng tầm mắt,giải phóng đôi tai,giải phóng cái đầu,thấy đâu là văn minh,văn hoá,đâu là âm nhạc,nghệ thuật,đâu là dân sinh,dân chủ,thì cũng là lúc cái Thiên Đường kia biến hình,để lại những ngổn ngang,những nhếch nhác,để lại con đường mà người ta phải đi lại từ đầu!Những "người anh em" thật đáng thương!Đã vào được xứ cổ tích mà lại để nó biến mất!Bây giờ thì làm sao về được"ngày xưa"!

Hoài Cảm