Tùy bút : Quê nhà tôi ơi !

Post date: Jul 19, 2012

Bài của LN. Phượng


Trong "Câu chuyện âm nhạc",tôi không có bài viết nào về Nhạc sĩ Trần Tiến vì ông không phải là đối tượng để "hoài cổ",nhưng trong bài "Tình Quê Hương Trong Âm Nhạc",tôi có tham khảo bài "Quê nhà" của ông:

Quê nhà tôi ơi xứ Đoài xa vắng

Khói chiều mênh mông sông Đà buông nắng

Nhớ thương làng quê lũy tre bờ đê

Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ.

Quê nhà tôi ơi con đường qua ngõ

Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió

Nhớ thương đàn con biết phương trời nao

Áo nâu mùa Đông thương mình lận đận đêm buồn mẹ ru...

À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại

À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.

(nhạc)

Quê nhà tôi ơi Ba Vì xanh tím

Nón chiều che ngang mắt chiều hoang vắng

Những đêm mùa Đông khói hương trầm bay

Bóng cha ngồi đây ngọn đèn lung lay bức tường vôi trắng.

Quê nhà tôi ơi quê người con gái

Tóc dài, da nâu giấu tình yêu dấu

Mắt đen về đâu, mắt đen của tôi

Mắt đen chờ ai, tháng ngày mỏi mòn, mối tình long đong.

À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại

À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.

À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại

À ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại chịu lời đắng cay

À ơi em đi lấy chồng anh vẫn một mình

À ơi táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em.

À ơi hoa bay lên trời

À ơi hoa cải bay đi

Rau răm, rau răm thôi đành, thôi.... đành..... ở.... lại

Quê Nhà - Trần Tiến - Tùng Dương trình bày ( xin click vào link để nghe nhạc)

***

Bài này đến với tôi từ tiếng hát của một thí sinh trong kì thi "Tiếng hát Truyền hình":Lê Huy Trực.Trước đó Trực đã gây ấn tượng cho tôi khi chọn hát bài "Nhớ Về Hà Nội" của Hoàng Dương" mà nhờ đó đã lọt vào vòng chung kết.Nghe anh hát Nhớ Về Hà Nội,tôi cảm thấy như được nghe Anh Ngọc diễn tả tâm sự của một thanh niên di cư khi hát bài này!Còn với Quê Nhà (mà ở đây tôi không tìm được bản thu tiếng hát của anh.đành phải mời các bạn nghe tiếng hát của Tùng Dương vậy!),Lê HuyTrực đã không phụ tấm lòng của Trần Tiến đối với quê mẹ!Tiếng hát anh thật buồn,mà lại thật già dặn so với tuổi đời còn quá trẻ của anh,thật là thích hợp với tâm hồn "hoài cổ" của tôi.Có lẽ có nhiều thính giả nghĩ như tôi nên anh đã được giải nhất do thính giả bình chọn!Nhưng với ban giám khảo,anh không phải là "gà" của họ,nên anh đã bị loại trong vòng xếp hạng!Chuyện này thường xảy ra trong cái xứ XHCN này nên không mấy ai thắc mắc.Và với tôi nó cũng chỉ là thêm một chuyện buồn thường thấy,hàng ngày,trên quê hương này!Tình cờ sau này tôi được biết mấy năm sau,anh đoạt giải nhất trong kì thi "Tiếng Hát Phát Thanh",rồi lại chuyển sang sáng tác và đã đoạt giải "Bài Hát Việt"năm 2010,thôi cũng là an ủi!Chuyện Huy Trực hát hay mà rớt chỉ là chuyện phụ,nhưng một nhạc sĩ (già) trong ban giám khảo,khi đánh rớt Huy Trực đã nhận xét là:"Em hát bài này ...buồn quá,không lột tả được tinh thần bài hát (!).Các bạn thử nghe xem,bài này có gì vui ???Nó làm tôi muốn khóc vì nhớ quê xưa (giờ chẳng còn gì vì đã được chia năm xẻ bẩy cho các ông nông dân,bà nông dân hếtrồi,vào cái thời cải cách!).Và tôi đã quyết định về lại quê nhà sau 60 năm xa cách để ,như tôi thiển nghĩ,biết đâu đối diện với sự thật,mình đỡ đau lòng ?

Và tôi đã thấy,dân quê tôi giờ đâu khác dân Bắc Triều Tiên?Họ vui buồn sướng khổ theo tiếng loa ở đầu thôn:thời tiết,nắng mưa,bình bàn tiên tiến,tin tức lề phải,...Họ đã có cuộc sống khá hơn 50 năm trước,không còn nhà tranh vách đất,không còn địa chủ cường hào.Và dù trong thôn có khá nhiều liệt sĩ hy sinh trong "kháng chiến chống Mỹ cứu nước",dân số trong thôn cũng đã phát triển gấp đôi.Cũng đúng thôi,vì lúc tôi rời quê,dân Việt ta mới 25 triệu;giờ thì bao nhiêu nhỉ ?hình như trên dưới 80? Dân đông mà đất thì không đẻ được như dân nên giờ này về quê,khó mà kiếm ra lũy tre,bờ dậu.Người dân tận dung mọi rẻo đất để dúi vào đó củ xu hao,cây bắp cải.

_Như vậy mỗi khẩu mình được chia bao nhiêu ruộng hả chị ?

_Một sào (350m2) chú!

_Mỗi mùa thu nhâp bao nhiêu?

_Trừ phân,giống và thuốc bảo vệ thực vật,còn trên 2 triệu

_Mỗi mùa kéo dài mấy tháng?

_Tùy,từ 4 đến 6 tháng!

_Như vậy làm sao đủ ăn ?

_Đủ chứ,chú tính một cân gạo có 20 ngàn,một triệu là được bao 50 cân rồi!

_Nhưng mà đâu chỉ có gạo ?

_Thì chú xem vườn nhà có thiếu gì rau ?

_Nhưng đâu chỉ có rau ?

_Chú không thấy bầy gà đó sao?Gà nuôi đâu tốn gì !Lại còn ao cá ,mỗi năm cũng được nửa tạ!

_Còn chuyện học hành của các cháu ?

_Đã có nhà nước lo!Huyện mình giờ đã có trường "Phổ thông cơ sở" rồi,các cháu đâu có đứa nào thất học!

Tôi không giám hỏi tiếp,lên cấp 3,phải lên tỉnh,rồi vào đại học phải đi xa hơn nữa,làm sao chị lo?,mà cũng đâu cần hỏi chi điều đó.Từ đó đến giờ làng tôi chưa có ai tốt nghiệp đại học!

_Anh có hay ra nhà văn hóa đọc báo hàng ngày không?

_Làm gì có thì giờ mà đọc!Mà có muốn đọc cũng không có báo!

_Giá báo đâu có bao nhiêu mà bảo không có kinh phí ?

_Không phải vì kinh phí!Chú xem,huyện trên,huyện dưới có chỗ nào bán báo đâu ?Mà lên thành phố,thì cũng phải ra bến xe mới có,chứ không có quầy,sạp như ở trong Nam các chú đâu!

_Vậy thì xây nhà văn hóa làm gì cho nó tốn kém,cả làng 19 nhà văn hóa thôn,công thêm nhà văn hóa xã nữa là chẵn 20,tốn bộn tiền,mà quanh năm cứ thấy đóng cửa im lìm!

_Người ta sao thì mình vậy thôi,làm sao khác được ?Với lại,có nhà văn hóa thì mới phân phối loa phát thanh!

_Em thấy loa nhiều quá,thôn nào cũng mở hêt công suất,inh cả tai mà có nghe được gì đâu ?

_(Cười)Tại chú chưa quen đấy!

Vâng tôi không thể "quen" được,nên càng xót xa thấy sự bế tắc của quê mình.Tương lai họ ra sao khi dân số mỗi ngày mỗi tăng ?Họ đâu có thể giữ mãi "thành tích" là người dân có "chỉ số hạnh phúc" thứ nhì thế giới được!

Ôi cây cải của ông Trần Tiến!Là ông,hay là tôi ???

Lê Ngọc Phượng

Tháng 7/2012

Video kèm theo bài :

Chung kết bài hát Việt 2010 - Huy Trực - Chợt như giấc mơ

https://www.youtube.com/watch?v=6EyNLzhwNdk&feature=player_embeddedYouTube

Xem thêm:

Buổi trưa ở phố Tràng Tiền, người phụ trách nhà thông tin triển lãm số 45 định với tay kéo chiếc cửa kính để đóng lại thì một cặp đôi đi tới. Chàng trai có lẽ chừng ngấp nghé 30, cô gái thì trẻ hơn.

Nhìn thấy tấm biển đề triển lãm ảnh “Quê nhà”, anh năn nỉ người đàn ông đang định đóng cửa: “Anh ơi, cho em vào xem nhờ một tý”, người đó trả lời: “Nhanh nhanh lên nhé, đến giờ nghỉ trưa rồi”.

Chàng trai mừng rỡ kéo tay cô bạn gái xinh đẹp, cô lắc đầu: “Thôi anh vào nhanh đi, em có việc bận một chút”. Rồi cô lấy máy điện thoại ra, đứng trước cửa triển lãm, “buôn” chuyện oang oang với một cô bạn gái nào đó: “Bọn tao vừa đi ăn trưa về, lão ấy lại sà vào cái triển lãm gì ấy, toàn ảnh nhà quê, chắc là đang ôn nghèo kể khổ, hí hí”.

Phía trong triển lãm, chàng trai bắt đầu cuộc viễn du của mình.

Bạn trầu

Quê hương là đây, nông thôn Việt Nam là đây, đẹp tới mức người xem có cảm giác như mình đang được ngắm những giấc mơ hiển hiện bằng hình. Một góc cổng làng nặng trĩu rễ đa trùm xuyên qua trong tác phẩm “Dấu ấn thời gian” của Diễn Đàm, một cái giếng làng xanh trong những giọt nước trong vắt tóe ra từ đôi thùng của cô gái làng trong ảnh Xuân Chính, một bờ giếng được viền khéo léo bằng những chiếc chiều cạp điều trong ảnh Hùng Cường.

Dấu ấn thời gian

Một bờ sông đơn côi với một người đàn bà lẻ loi trong “Bến lở” của Đăng Thanh, hai cụ bà thì thầm một câu chuyện làng quê nào đó trong “Bạn trầu” của Kim Mạnh, một đống rơm vàng đã bị trâu rứt mòn quá nửa trong “Làng tôi” của Nguyễn Việt Hưng... mỗi tác phẩm lại dẫn dụ trí tưởng tượng của người xem về một miền quê hay trăm ngàn những miền quê xa ngái.

Bến Lở

Chàng trai đứng rất lâu trước bức “Niềm vui tuổi thơ” chụp mấy cậu bé đang đùa vui trên lưng đàn trâu bên bờ sông mát rượi, có lẽ, tôi phỏng đoán thôi, bức ảnh đang làm sống lại trong chàng những kỷ niệm của một thời thơ dại.

Giếng làng

Rồi bước chân đưa chàng trai đến bên bức “Quê em miền trung du” của Diễn Đàm chụp những đứa trẻ giữa một khu rừng cọ, bức ảnh đen trắng, nhưng người xem cảm nhận rất rõ hơi mát trong lành tỏa ra từ những chiếc lá cọ như những mặt trời xanh được viền bằng màu nắng trên đầu đám trẻ.

Bến Gốm

Cậu trai hồn nhiên bảo tôi- một vị khách hiếm hoi đang đứng gần cậu trong triển lãm lúc ấy: “Chị ơi, bức này chụp quê em đấy, Phú Thọ đẹp lắm chị ạ”.

Vậy là tôi không đoán nhầm, đó là tuổi thơ của cậu, một chàng trai tỉnh lẻ dù đang khoác lên mình dáng vẻ sành điệu của đất Hà thành, nhưng đâu đó, sự chân chất hồn nhiên của người quê vẫn không lẫn vào đâu được.

Chàng trai hỏi tôi: “Chị ơi, chị có biết bức ảnh này người ta chụp ở đâu không, dòng sông này giống dòng sông quê em quá, một bên cứ lở mãi không thôi”, đó là bức ảnh “Bến lở” của Đăng Thanh. Tôi ngượng ngùng lắc đầu: “Chị cũng không biết đâu em ạ”.

Đón nắng

Lúc ấy trong lòng tôi chỉ ước, giá như mình biết dòng sông ấy ở đâu để có thể giải thích giùm cho cậu, người đã háo hức hỏi tôi và mong chờ một lời giải đáp biết bao nhiêu. Nhưng tôi cũng giống như cậu mà thôi.

Xem lần lượt hết cả triển lãm tranh, chàng háo hức chạy ra nói với cô bạn gái: “Em ơi, trong này người ta bán ảnh để làm từ thiện cho trẻ em da cam và trẻ em mồ côi ở chùa Bồ Đề ấy, em vào đây xem, có thích bức nào không, anh mua tặng em một bức nhé”. Cô gái xinh đẹp vùng vằng: “Em không thích đâu, anh mua bức nào thì mua, hỏi em làm gì”.

Hoa vào phố

Thấy người yêu không hào hứng, chàng trai đành miễn cưỡng bước đi, nhưng tôi biết trong lòng chàng nặng trĩu.

Thật tội nghiệp cho đôi bạn trẻ ấy. Họ đang bước đi bên nhau, tay nắm chặt tay nhau. Nhưng tôi biết ở ngay chính khoảnh khắc này, tâm hồn của họ đã nhảy lên hai chuyến tàu chạy theo hướng ngược chiều, mãi mãi không bao giờ gặp nhau ở một ga nào hết.

Mi An (Nguồn:Phunutoday)