Khai Bút Đầu Năm

Post date: Jan 23, 2012

Nhâm Thìn 2012

Hàng năm cứ 30 Tết,gia đình tôi lại cùng với các cô chú tụ tập về Văn Thánh cúng ông bà xong rồi mới ai về nhà nấy.Bố tôi là anh cả,mất mười mấy năm rồi nhưng các chú vẫn đi về Văn Thánh hàng ngày và coi mẹ tôi như chị ruột!Có thể còn hơn thế nữa,nhất là với chú út.Ngày xưa khi mẹ tôi về làm dâu nhà họ Lê,bà mới 10 tuổi ,còn "chồng" bà,bố tôi mới lên 9.Hai "đứa ngủ chung với ông nội tôi thời gian dài cho đến khi bố tôi lên tỉnh học.Và mẹ tôi bắt đầu công việc của một dâu trưởng nhà giầu nông thôn:đi "coi" thợ làm đồng."Gọi là coi nhưng mình không làm thì "chúng nó" cũng làm lấy lệ!Mình có làm thì chúng nó mới sợ mà làm theo ..."Mẹ tôi thường kể về những ngày vất vả ấy."Cũng may,ông nội tôi là bạn thân của ông ngoại và "hai đứa" đã được hứa gả từ hồi còn trong bụng mẹ!Nên lúc đầu gọi là bác,sau là thầy,mẹ tôi coi ông nội cũng như cha ruột mình.Ông nội cũng "đi đồng" như mẹ tôi,và thường bảo:"mình làm là làm cho mình,con ạ,khác vói họ là người làm công,làm bao nhiêu thì đồng lương cũng chẳng hơn gì,thôi đừng ép họ quá!Ấy vậy mà gia đình tôi lại bị liệt vào hàng địa chủ,ông nội phải đi trốn và ..."mất tích"gia đình phải "dinh tê" nếu không thì cũng hứng màn đấu tố không chừng bí bắn như các ông Tổng Nhự,bác Lý Lưu,là những người không nghe lời bố tôi di cư,mà ở lại để cuối cùng lãnh số phận đau thương ngay trong năm 1954.Đấy là chuyện sau này ,còn trước khi có Việt Minh,chúng tôi sống rất là êm đềm!Tuy ông nội làm nghề nông,bố tôi,các cô,các chú đều được gửi lên Nam Định học "trường Tây" (dĩ nhiên).Nhờ vậy khi gia sản không còn nữa ,bố tôi và cô tôi vẫn còn cái gia sản tinh thần để kiếm sống (đến cuối đời),đó là nghề dạy học (TN Liên là học trò bố tôi năm lớp nhì ở Lục Thủy).Tôi sinh ra đời lúc mẹ tôi mới vừa 19 tuổi!Tôi bụ bẫm vì mẹ rất nhiều sữa,nhiều khi căng sữa quá phải vắt bỏ.Chú út sinh trước tôi ít tuổi,gầy còm ốm yếu nên bà nội tôiphải dụ chú uống sữa chị,Riết rồi chú quen hơi,khỏi phần vắt ra bát,hai chú cháu mỗi "đứa" một bầu!Sau này khi bà nội và bố tôi mất cả rồi,chú coi mẹ tôi như mẹ vậy,không bữa nào vắng cơm nhà,hoặc có ăn ở đâu thì khi về cũng ăn thêm một ít"kẻo chị giận"!

Bố mẹ tôi có 8 đứa con,5 trai,3 gái,4 đúa ở VN 4 đứa "ở bển".Chú em tôisinh con,Mẹ tôi sang Mỹ chăm cháu "như ngày xưa cụ Tổng (bà Cố toi)vào chăm thằng chắt (là tôi)"Được một năm thì cụ đòi về "Bên này làm đám (ma) đắt quá,những mấy chục ngàn (đô),mẹ về với anh Phượng để anh lo cho rẻ".

Cô em út của tôi dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc (trước đó cô đã dạy ở đại học Washington một năm).Năm nay cô đem 2 học trò,một Mỹ,một Úc,là những nghiên cứu sinh tiến sĩ Sử học,một cô về thời Nguyễn,một cô thời Pháp thuộc,về ăn Tết chung với gia đình để hiểu thêm phong tục của người mình.Hai cô học trò đều đều còn khá trẻ và nói tiếng Việt khá lưu loát.Tôi hỏi đùa cái cô nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn rằng cô nghiên cứu thời Nguyễn nào ?Cô ngớ người ra bảo cô chỉ biết có thời Tiền Lê và Hậu Lê,còn làm gì có mấy thời Nguyễn ?Tôi nói với cô:Có thời Nguyễn Hoàng,Nguyễn Ánh còn hiện nay là thời Nguyễn gì ?Cô e dè:thời Nguyễn ...tấn Dũng" Nói xong,thấm ý cô cười quá trời!Nói chuyện thêm với cô,tôikhông dè một người ngoại quốc mà rảnh lịch sử nước ta như vậy,chẳng bù cho học sinh VN,ngay cả cái "công thức"Ngô Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn"cũng không biết!Cũng may không mấy ai sang Việt Nam để học "lịch sử Đảng CSVN" hay nghiên cứu về thờiđại nhà Hồ (HCM)!

Trong lúc mọi người xúm nhau làm bữa,các "cô học trò""nói chuyện với "bà cụ" (dĩ nhiên bằng tiếng Việt khá lưu loát).Có điều bà cụ 90 điếc đặc,lại hay đoán ý trả lời nên cuộc đối thoại cực kì hoạt kê!Mấy đứa cháu thì cũng muốn nhân dịp có khách sẽ "thực tập ngoại ngữ",còn các cô học trò lại muốn "trau giồi tiếng Việt",nhưng nói một hồi,tốc độ nói nhanh dần khiến (có lẽ) chẳng ai hiểu được ai mấy,nên khi con gái út tôi đến,các cô xúm vào hỏi han (bằng tiếng Anh),coi bộ ai cũng nhẹ nhõm phởn phơ!

Tôi về đến nhà mở máy thì nhận được mấy "thư riêng" chúc Tết,lại có cả thư của T C Hiếu ở Pháp!Vui quá!Đang không biết viết gì để khai bút lúc giao thừa,nay nhân chuyện nhà đem ra kể để các bác thấy cái cảnh éo le:Người Việt (ở bển) thì không có Tết,"Tây lại"có cái Tết ngon lành!"Con tạo hóa khéo ghẹo người ..."Thôi để lúc khác sẽ nói về bài Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh *!Hôm nay là ngày đầu năm ,xin chúc tất cả mọi người một cái Tết tươi vui,và một năm mới thịnh vượng (các lão bạng nghe câu chúc này chắc là khoái lắm)!

Lê Ngọc Phượng

23/01/2012